ĐẢM BẢO AN TOÀN THỰC PHẨM VÀ VỆ SINH MÔI TRƯỜNG ĐỂ PHÒNG BỆNH TIÊU CHẢY CẤP TRONG DỊP TẾT NGUYÊN ĐÁN VÀ MÙA LỄ HỘI
Trong các bệnh đường tiêu hoá “Bệnh tiêu chảy cấp” là một trong những bệnh nguy hiểm. Do đó, trong Y học các thầy thuốc còn dùng cụm từ như “Bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm”. Bệnh lây lan qua nguồn thực phẩm, vệ sinh nguồn nước và môi trường kém, bệnh gây thành dịch và tỷ lệ tử vong cao
Hàng năm cứ mỗi dịp Tết Nguyên đán đến cận kề thì nhu cầu tiêu dùng của người dân lại càng tăng cao trong đó có nhu cầu xử dụng thực phẩm cũng tăng cao để đáp ứng nhu cầu về thực phẩm trong một thời gian ngắn thì hàng loạt các loại thực phẩm tươi sống không sạch, các loại thịt gia súc, gia cầm chưa qua kiểm định, các loại đồ uống, bánh kẹo không rõ nguồn gốc xuất xứ có hiện tượng xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường, đây là nguy cơ tiềm ẩn gây nên các vụ ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm và các loại dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào, nhất là dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm.
Trong các bệnh đường tiêu hoá “Bệnh tiêu chảy cấp” là một trong những bệnh nguy hiểm. Do đó, trong Y học các thầy thuốc còn dùng cụm từ như “Bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm”. Bệnh lây lan qua nguồn thực phẩm, vệ sinh nguồn nước và môi trường kém, từ người bệnh sang người lành theo con đường (phân-chân tay- miệng); từ chất nôn, phân người bệnh thông qua ruồi nhặng, chuột, gián và các côn trùng khác đưa đến thức ăn và đến người lành.
Để bảo vệ sức khoẻ cho mỗi người dân và cộng đồng nhằm phòng chống bệnh tiêu chảy cấp đặc biệt trong những ngày trước, trong, sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu và mùa Lễ hội xuân 2017 thì mỗi người dân cần phải có các biện pháp phòng chống bệnh hiệu quả cho bản thân và gia đình mà trong đó khâu vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm là một trong những biện pháp hàng đầu, cụ thể:
* Đối với công tác vệ sinh môi trường:
Mỗi gia đình trong cộng đồng nên phải có một nhà tiêu và nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh mục đích là quản lý được nguồn phân tươi và chất thải, không dùng phân tươi để trồng và tưới rau ngoài ra không cho các yếu tố trung gian truyền bệnh được tiếp xúc với phân người và chất thải như ruồi, gián, muỗi, chuột, vv....
* Đối với công tác An toàn thực phẩm:
Song song với công tác vệ sinh môi trường đây là vấn đề không chỉ mỗi cá nhân, gia đình mà các cấp, các ban ngành đoàn thể và toàn thể xã hội cần phải quan tâm. Để thực hiện tốt, có hiệu quả trong công tác đảm bảo công tác An toàn thực phẩm phòng chống “Bệnh tiêu chảy cấp” chúng ta cần thực hiện tốt một số biện pháp như:
- Thực hiện “ăn chín uống sôi” các đồ ăn và thức uống cần phải nấu chín và đun sôi trước khi ăn uống.
- Rửa tay sạch bằng xà phòng và nước sạch trước khi ăn uống.
- Tất cả các dụng cụ phục vụ cho ăn uống như bát, đĩa, đũa, cần rửa sạch và nhúng nước sôi trước khi ăn.
- Các thực phẩm đã chế biến phải bảo quản không cho ruồi, muỗi, gián đến đậu ngoài ra phải tránh bụi bặm và mưa gió.
- Thức ăn khi đã nấu chín thì sử dụng ngay không nên để quá 2 giờ.
- Thực hiện 6 không (Không ăn rau sống, không uống nước lã và nước đá mất vệ sinh, không ăn mắm tôm và mắm tép sống, không ăn gỏi cá và hải sản sống, không ăn tiết canh, không ăn nem chạo và nem chua của các cơ sở sản xuất chưa được các cơ quan quản lý nhà nước cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện).
Thực hiện tốt các nội dung trên góp phần bảo vệ sức khoẻ cho chính mình, gia đình mình và cộng đồng để tết đến xuân về chúng ta tiếp đón một mùa xuân vui vẻ, đầm ấm và hạnh phúc!
Đào Tùng-Chi cục ATVSTP Thanh hoá