Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Thanh Hóa
Trang chủ   /   Dành cho người tiêu dùng   /   Đảm bảo an toàn thực phẩm mùa mưa bão
Đảm bảo an toàn thực phẩm mùa mưa bão
Mùa mưa bão năm 2024 đang đến gần, sau những trận bão hoặc những mưa lớn kéo dài tình trạng ngập lụt ô nhiễm môi trường và khan hiếm thực phẩm xảy ra. Gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ người dân một phần do vấn đề vệ sinh môi trường và quan trọng hơn nữa là vấn đề mất vệ sinh an toàn thực phẩm trong mua bão lũ.
Trong mùa mưa bão, lũ, người dân phải dối diện với rất vấn đề về mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Tại vùng bão lụt, các công trình vệ sinh, cống rãnh bị ngập trong nước nên các chất thải của người và gia súc, xác động thực vật hòa vào nước gây ô nhiễm nặng cho môi trường nước, đất khiến mầm bệnh rất dễ lây lan nhiễm vào vật nuôi, cây trồng, vào thức ăn, nước uống gây bệnh cho người dân.
Mưa lũ lụt khiến nguồn thực phẩm trở nên khan hiếm: Nguồn cung cấp thực phẩm tươi, sạch, an toàn bị ách tắc do phương tiện vận chuyển bị hạn chế. Lương thực, thực phẩm gặp thời tiết mưa ẩm dễ bị ôi, thiu, mốc, hỏng, sinh độc tố có thể gây ngộ độc thực phẩm. Nguồn nước có thể bị ô nhiễm nặng dẫn đến ô nhiễm thực phẩm và nước uống dùng để chế biến thức ăn. Hơn nữa, sau bão lũ, nhiều địa phương còn bị cô lập bởi nước lụt, chưa có điều kiện thực hiện ăn chín, uống sôi. Vì vậy, ngộ độc thực phẩm thường rất hay xảy ra.
 
Hình ảnh: Tình trạng ngập lụt làm tăng nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm
Chính vì vậy để tăng cường công tác bảo đảm an toàn vệ sinh an toàn thực phẩmvà phòng chống ngộ độc thực phẩm trong mùa mưa lũ, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Thanh Hoá khuyến cáo người dân và các cơ sở y tế cần tăng cường tuyên truyền đến người dân được biết và thực hiện một số các nội dung sau trong mùa mưa bão:
1. Chủ động trữ và bảo quản lương thực, thực phẩm an toàn, cảnh giác với các nguy cơ gây ô nhiễm (nhất là các ô nhiễm vi sinh, ô nhiễm hóa học,…). Người dân nên mua và bảo quản cẩn thận các loại thực phẩm như lương thực, thịt gia súc gia cầm; rau (chủ yếu là loại củ, quả vì có thời gian bảo quản  hơn); các thực phẩm bao gói sẵn như mì tôm, miến, nước uống đóng chai; các loại gia vị như nước tương, nước chấm, dầu ăn; các loại hạt để làm muối  lạc,  muối vừng, giá đỗ làm đậu... 
2. Tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm chết do ngập nước, do dịch bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân để chế biến làm thực phẩm. Không sử dụng thực phẩm đã ôi thiu, mốc hỏng. Trong quá trình bảo quản không để lẫn thực phẩm sống như thịt lợn, thịt gia súc, gia cầm và hải sản tươi sống với các thực phẩm đã chế biến sẵn để tránh nguy cơ ô nhiễm chéo giữa thực phẩm chưa qua chế biến sang thực phẩm đã chế biến sẽ gây ngộ độc thực phẩm.
3. Rửa tay bằng xà phòng hoặc chất tẩy rửa với nước sạch; Trước khi tiếp xúc với thực phẩm; Trước và trong quá trình chế biến thực phẩm; Sau mỗi lần đi vệ sinh. Đối với những vùng không đủ nước sạch có thể sử dụng các loại hoá chất sát khuẩn theo hướng dẫn của ngành y tế. 
4. Vệ sinh toàn bộ bề mặt và dụng cụ chế biến thực phẩm bằng nước sạch và chất tẩy rửa sau mỗi lần chế biến.
5. Nhất định phải thực hiện ăn chín, uống chín.
6. Phải sử dụng nước sạch để chế biến thực phẩm, nếu không có nước sạch thì phải khử trùng nguồn nước theo hướng dẫn của ngành y tế. Khi phải dùng nước sông, suối ao, hồ hoặc nước nước giếng bị nhiễm bẩn, phải làm trong nước bằng cách dùng phèn chua hòa vào nước (với tỷ lệ 1gam phèn chua/20 lít nước), chờ 30 phút cho cặn lắng xuống đáy rồi gạn lấy nước trong. Trong trường hợp không có phèn chua có thể dùng túi vải để lọc nước. Sau đó, nước cần được khử trùng bằng hóa chất chloramine B hoặc clorua vôi. Sau khử trùng, nước phải có mùi clo thì việc khử trùng mới có tác dụng. Nước sau khử trùng 30 phút là sử dụng được. Một điều cần lưu ý tuyệt đối không được khử trùng đồng thời với đánh phèn vì phèn sẽ hấp thụ hết clo hoạt tính, làm mất tác dụng khử trùng của clo. Nước xử lý bằng clo vẫn phải đun sôi mới uống được.
7. Song song với dự trữ thực phẩm, mỗi gia đình nên có hộp thuốc gia đình trong đó dự trữ một số thuốc trị bệnh đường tiêu hóa đã được bác sỹ hướng dẫn cách sử dụng, các loại vitamin, các hoá chất sát khuẩn của ngành y tế, phòng khi cần thiết sự dụng cho các viên trong gia đình.
8. Sau khi lũ rút, việc cần làm ngày là phải tổng vệ sinh các công trình nhà ở và công cộng (nhà bếp, giếng nước...) sạch sẽ, tránh ô nhiễm vào môi trường sống cũng như ô nhiễm đến bề mặt, khu vực chế biến. Sử dụng các loại hoá chất diệt công trùng và động vật gây hại do Bộ Y tế khuyến cáo vì g sau lũ thời tiết ấm hơn, lượng côn trùng nhất là rồi nhặng sẽ sinh sôi nhiều hơn, đây là một trong những vec – tơ truyền bệnh lây nhiễm qua việc chế biến thực phẩm và qua đường ăn uống.
Các cơ sở y tế cần chủ động trang bị vật tư y tế, thuốc men để ứng phó với các trường hợp khẩn cấp liên quan đến ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm theo quy định của Sở Y tế tại công văn số 607/SYT-NVY ngày 16/3/2020 của Sở Y tế về việc thông tin, báo cáo và điều tra, xử lý vụ NĐTP trên địa bàn tỉnh.
Hoàng Huyền

Các tin liên quan

  • Trang thông tin điện tử Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Thanh Hóa
  • Địa chỉ: Số 10/26 Tô Hiến Thành, phường Điện Biên, Tp. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa
  • SĐT: 02373.727.658 - Email: csvsattp@thanhhoa.gov.vn
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa