Nghị định mới quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.
Bắt đầu từ ngày 20 tháng 10 năm 2018, Nghị định 115/2018/NĐ-CP Quy định xử phạt hành chính về an toàn thực phẩm có hiệu lực.
Nghị định được ban hành ngày 04 tháng 9 năm 2018 gồm 04 Chương và 39 điều, quy định quy định mức xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm: Tăng mức phạt tiền ở các hành vi, mức phạt tiền tối đa đến 07 lần giá trị hàng hóa vi phạm; quy định nhiều hành vi bị xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, đình chỉ hoạt động có thời hạn, tịch thu tang vật vi phạm; xử phạt bổ sung như buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm, buộc tiêu hủy thực phẩm, buộc thu hồi thực phẩm, buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật vi phạm trong trường hợp tang vật vi phạm không còn.
Hình thức xử phạt chính là phạt tiền, không quy định hình thức cảnh cáo: Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm là 100.000.000 đồng đối với cá nhân, 200.000.000 đồng đối với tổ chức, trừ các trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 4; khoản 6 Điều 5; khoản 5 Điều 6; khoản 7 Điều 11; các khoản 1 và 9 Điều 22; khoản 6 Điều 26 Nghị định này. Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân, trừ quy định tại khoản 5 Điều 4; khoản 6 Điều 5; khoản 5 Điều 6; khoản 7 Điều 11; Điều 18; Điều 19; các khoản 1 và 9 Điều 22; Điều 24; khoản 6 Điều 26 Nghị định này là mức phạt đối với tổ chức. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Nghị định cũng quy định rõ thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính:
Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm có quyền:
a) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng đối với cá nhân và phạt tiền đến 100.000.000 đồng đối với tổ chức;
b) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt quy định tại điểm a khoản này;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định này.
Với những quy định rõ ràng, chế tài xử phạt nặng hơn sẽ làm thay đổi nhận thức của cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh thực phẩm và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm./.
Tiến Phong