Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Thanh Hóa
Trang chủ   /   Dành cho người tiêu dùng   /   Đảm bảo an toàn thực phẩm trong điều kiện nắng nóng và bão lũ, những điểm cần lưu ý
Đảm bảo an toàn thực phẩm trong điều kiện nắng nóng và bão lũ, những điểm cần lưu ý
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia, nắng nóng vẫn còn tiếp diễn tại khu vực Bắc Trung Bộ nói chung và trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nói riêng từ cuối tháng 6/2021 cho tới hết tháng 8/2021; bên cạnh đó, dự báo từ nay đến hết năm 2021 có khoảng từ 10 đến 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, trong đó có khoảng 4-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Vì vậy, việc bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), phòng chống ngộ độc thực phẩm (NĐTP) và các bệnh truyền qua thực phẩm trong điều kiện nắng nóng và bão lũ, góp phần bảo vệ sức khỏe nhân đân trên địa bàn tỉnh là rất cần thiết
Thanh Hóa là một tỉnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ có đặc điểm khí hậu nhiệt độ cao, ánh sáng dồi dào, lượng mưa hàng năm lớn và vào mùa mưa thường xuất hiện các hiện tượng bão, lụt, áp thấp nhiệt đới,… Công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn vì thế cũng gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của thời tiết. Việc bảo đảm ATTP trong điều kiện nắng nóng và bão lũ hiện nay cần phải có sự vào cuộc, chỉ đạo đồng bộ từ các cấp chính quyền, các cơ quan chuyên môn và chính những người dân chịu ảnh hướng trực tiếp. Một số khuyến cáo đối với công tác bảo đảm ATTP trong điều kiện nắng nóng và bão lũ hiện nay như sau:
1. Đối với công tác bảo đảm ATTP trong điều kiện nắng nóng
- Chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn trên địa bàn thường xuyên  tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong việc lựa chọn, sơ chế, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn. Phổ biến các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và kinh doanh thức ăn đường phố tại các trường học, bệnh viện, khu công nghiệp, khu chế xuất…; yêu cầu các cơ sở tuyệt đối không sử dụng các nguyên liệu thực phẩm, sản phẩm thực phẩm đã bị ôi thiu, hỏng, mốc, có màu sắc khác thường, không rõ nguồn gốc, quá hạn sử dụng để chế biến, kinh doanh.
- Người dân cần tuân thủ việc lựa chọn, sơ chế, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn; thực hiện ăn chín, uống chín, uống đủ nước; chú ý dự trữ, đảm bảo nguồn nước sạch để ăn uống, chế biến thực phẩm. 
2. Đối với công tác bảo đảm ATTP trước, trong và sau khi xảy ra bão, lũ
a) Chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn trên địa bàn
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền hướng dẫn người tiêu dùng, nội trợ trong việc lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn; hướng dẫn người dân sử dụng các hóa chất sát khuẩn (được phép sử dụng) để làm sạch (khử khuẩn) nước trước khi sử dụng trong trường hợp không có nước sạch để sử dụng.
- Chủ trì và phối hợp với các đơn vị có liên quan tiến hành kiểm soát chất lượng ATTP các loại lương thực, thực phẩm, nước uống do các tổ chức, cá nhân hỗ trợ đồng bào vùng lũ lụt nhằm đảm bảo không để các sản phẩm bị hỏng, mốc, dập vỡ, hết hạn sử dụng… đến tay người dân.
 
 
Họp chợ mùa mưa, bão (ảnh minh họa)
- Sau khi bão, lũ rút cần hướng dẫn nhân dân vệ sinh môi trường, tu sửa, tổng vệ sinh nguồn nước dùng cho ăn uống và các công trình công cộng; cơ quan chuyên môn cần thực hiện việc xử lý môi trường, phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ; triển khai các hoạt động kiểm tra, giám sát cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn theo phân cấp quản lý trong việc bảo đảm ATTP, đảm bảo không để xảy ra tình trạng thực phẩm không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm lưu thông trên thị trường.
- Cơ quan chuyên môn cần xây dựng phương án, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư, thuốc, hóa chất để kịp thời cấp cứu, điều trị bệnh nhân và khắc phục, xử lý khi có ngộ độc hoặc bệnh dịch liên quan đến thực phẩm xảy ra trong mùa mưa, bão, lũ.
 
 
 
Khử khuẩn nguồn nước ăn trong mùa mưa, lũ (ảnh minh họa)
b) Đối với người dân trong vùng bão, lũ
- Thực hiện đúng các hướng dẫn của cơ quan chuyên môn trong việc lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm; ngoài ra, phải có kế hoạch chủ động dự trữ các loại lương thực, thực phẩm chế biến sẵn, nước uống đóng chai, các loại vitamin, các hoá chất sát khuẩn theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
- Thực hiện việc ăn chín, uống chín; sử dụng nước sạch để chế biến, nấu thực phẩm; tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm, thuỷ sản chết do bệnh, chết không rõ nguyên nhân để làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm.
- Sau khi bão, lũ rút cần thực hiện ngay công tác vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý, chôn xác động vật; tu sửa, thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước; tổng vệ sinh nguồn nước dùng cho ăn uống; khử trùng nước sử dụng cho ăn uống và sinh hoạt bằng hóa chất được Bộ Y tế khuyến cáo sử dụng.
- Chủ động bổ sung vitamin vào khẩu phần ăn hàng ngày nhằm tăng cường sức đề kháng cho bản than và gia đình.
Minh Trang 

Các tin liên quan

  • Trang thông tin điện tử Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Thanh Hóa
  • Địa chỉ: Số 10/26 Tô Hiến Thành, phường Điện Biên, Tp. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa
  • SĐT: 02373.727.658 - Email: csvsattp@thanhhoa.gov.vn
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa