Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Thanh Hóa
Trang chủ   /   Dành cho người tiêu dùng   /   Ngộ độc thực phẩm do độc tố của vi khuẩn Clostridium botilinum, nguyên nhân và biện pháp phòng tránh
Ngộ độc thực phẩm do độc tố của vi khuẩn Clostridium botilinum, nguyên nhân và biện pháp phòng tránh

Trong thời gian vừa qua đã xảy ra một số trường hợp ngộ độc thực phẩm do độc tố của vi khuẩn Clostridium botulinum liên quan đến sản phẩm pate Minh Chay (được sản xuất bởi Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới, có địa chỉ tại tổ 2, thị trấn Đông Anh, huyện Đồng Anh, thành phố Hà Nội). Theo các chuyên gia, vi khuẩn Clostridium botulinum thường được phát hiện ở thịt và sinh độc tố botulin vì vậy vi khuẩn này được gọi là vi khuẩn độc thịt; ngộ độc thực phẩm do độc tố botulium thuộc loại ngộ độc rất nặng có tỷ lệ tử vong cao. Chính vì vậy, hiểu và biết cách phòng chống ngộ độc thực phẩm do độc tố của vi khuẩn Clostridium botilinum là rất cần thiết.

- Đặc điểm
 
Clostridium botilinum (C. botulinum) là vi khuẩn gram dương, hình que, kị khí, sinh bào tử, di chuyển được và có khả năng sinh độc tố thần kinh botulinum trong quá trình bào tử; vi khuẩn này phổ biến rộng dãi trong đất, trong bùn ao hồ, trong phân chuồng, trong ruột cá và các động vật máu nóng, trong thịt, trên rau quả, mặt khác, chúng còn xuất hiện ở nguyên liệu và sản phẩm thực phẩm;
 
 
Hình ảnh vi khuẩn Clostridium botilinum dưới kính hiển vi 
 
Cl. Botulinum sinh trưởng phát triển mạnh trong khoảng nhiệt độ 20-37oC, ở dưới 15oC nó vẫn phát triển nhưng ít tạo thành độc tố; nhạy cảm với môi trường axít (không phát triển được ở môi trường có PH dưới 4,5) và môi trường có muối (ở môi trường chứa 6-8% NaCl sẽ kìm hãm phát triển của Cl. botulinum và sự tạo thành độc tố);
 
Các tế bào sinh dưỡng của Cl. botulium bị chết ở 80oC sau 30 phút, nhưng bào tử lại rất bền ở nhiệt độ cao (ở 100oC với điều kiện áp suất 1 atm bào tử sẽ chết trong vài giờ, ở 105oC chết sau 2 giờ và ở 120oC chết sau 20 phút); còn ở nhiệt độ lạnh, bào tử của vi khuẩn có thể được giữ nguyên được khả năng nảy mầm trong nhiều tháng.
 
- Các loại thực phẩm gây ngộ độc
 
Do tính kỵ khí nghiêm ngặt nên Cl. botulinum được phát hiện chủ yếu (cổ điển) trong thịt hộp (do đó vi khuẩn gây bệnh được gọi là vi khuẩn độc thịt); tuy nhiên các vụ ngộ độc trên thế giới cho thấy tất cả các loại thực phẩm từ rau, củ, quả, thịt, hải sản,....được sản xuất không đảm bảo và đóng gói kín (ví dụ đồ hộp, can, lon, chai, lọ, bao, túi, gói) cùng với môi trường bảo quản bên trong không đảm bảo dẫn tới bào tử phát triển thành vi khuẩn và sinh ngoại độc tố gây ngộ độc;
 
Thực phẩm gây ngộ độc phổ biến là thực phẩm chế biến, đóng gói thủ công, sản xuất nhỏ lẻ, hộ gia đình hoặc điều kiện sản xuất không đảm bảo; cũng có thể gặp các trường hợp ngộ độc với sản phẩm sản xuất công nghiệp và ăn tại các nhà hàng;
 
Do trào lưu sử dụng túi hút khí chứa đựng thực phẩm, bảo quản thực phẩm không đảm bảo, sử dụng tủ lạnh không đúng, đun lại không đủ chín trước ăn là các nguyên nhân chính dẫn tới ngộ độc thực phẩm do ngoại độc tố botulinum có xu hướng tăng lên.
 
 
Hình ảnh minh họa các sản phẩm đồ hộp 
 
- Độc tố của vi khuẩn Cl. botulium
 
Vi khuẩn Cl. botulium có 06 tip huyết thanh A, B, C, D, E và F (trong đó có 3 tip gây ngộ độc theo thứ tự giảm dần là A, B, E); nhiệt độ thuận lợi cho vi khuẩn sinh độc tố là 30-37oC, ở khoảng nhiệt độ 10-12oC độc tố tạo thành bị chậm lại và ở nhiệt độ 4-5oC thì ngừng hẳn;
 
Độc tố của vi khuẩn Cl. botulium là ngoại độc tố (botulinum) không bị phân hủy trong môi trường axit của dạ dày và tác dụng của các enzim tiêu hóa; chịu được nhiệt độ thấp, nhưng lại mất hoạt tính ở nhiệt độ cao và môi trường kiềm (ở 50oC độc tố sẽ bị phá hủy sau 30 phút) nên dễ bị phá hủy bởi nhiệt độ sôi (ăn thức ăn mới nấu chín không bị ngộ độc);
 
Chỉ các ngoại độc tố botulinum type A, B, E, F gây ngộ độc trên người. Độc tố botulinum có bản chất là protein, trọng lượng phân tử khoảng 150 nghìn Dalton; bệnh nhân có thể ngộ độc do một hoặc nhiều loại độc tố cùng lúc.
 
- Triệu chứng khi bị ngộ độc thực phẩm do độc tố của vi khuẩn Clostridium botilinum
 
Sau khi ăn, uống thực phẩm bị nhiễm độc, các triệu chứng của người sử dụng thường xuất hiện trong vòng từ 12 đến 36 giờ (phạm vi tối thiểu từ 4 giờ và tối đa đến 8 ngày);
Các biểu hiện bệnh điển hình như: Liệt ngoại biên đối xứng hai bên kiểu lan xuống (khởi đầu đau họng, khó nói, khó nuốt, sụp mi, song thị (nhìn 1 thành 2), nhìn mờ, ho khạc kém, lan xuống hai tay (yếu tay), sau đó yếu hai chân và liệt các cơ hoành, cơ liên sườn), không có rối loạn cảm giác, đồng tử có thể giãn hai bên; liệt có thể từ nhẹ (yếu mỏi các cơ đơn thuần đến liệt hoàn toàn các cơ); bệnh nhân vẫn tỉnh táo nếu không có thiếu ô xy não; đối với hệ tiêu hóa thường có biểu hiện bị giảm nhu động ruột, táo bón.
 
- Biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm do botulinum
 
Để phòng chống hiệu quả ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện một số bước sau:
 
1. Chọn các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có tiêu chuẩn chất lượng và an toàn được công nhận;
 
2. Thận trọng với các thực phẩm đóng kín như trên nhưng có mùi hoặc màu sắc thay đổi, hoặc có vị thay đổi khác thường (ví dụ sữa chua nhưng không còn vị chua bình thường);
 
3. Không nên tự đóng gói kín các thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện không phải đông đá (chỉ có nhiệt độ đông đá mới làm vi khuẩn ngừng phát triển và không sinh độc tố);
 
4. Ưu tiên ăn các thực phẩm mới chế biến, mới nấu chin; lưu ý nấu chín sẽ phá hủy độc tố botulinum (nếu không may có trong thực phẩm);
 
5. Với các thực phẩm lên men, đóng gói hoặc che đậy kín theo cách truyền thống (như dưa muối, măng, cà muối…) cần đảm bảo phải chua, mặn (đối với những thực phẩm đã hết chua thì không nên ăn).
 
- Xử trí, xử lý khi bị ngộ độc do độc tố của vi khuẩn Clostridium botilinum
 
Bộ Y tế khuyến cáo mọi người dân khi xuất hiện các triệu chứng nhiễm độc trên (đặc biệt là các triệu chứng như yếu cơ rõ, liệt cơ) sau khi ăn bất kể nguồn thực phẩm nào và thời điểm ăn, uống thì cần phải nhanh chóng nhập viện để được cấp cứu, điều trị; đối với các trường hợp sau ăn lần cuối trong vòng 8 ngày, nếu không có triệu chứng thì người dân không cần nhập viện, tuy nhiên vẫn phải tới cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám.
 
Hoàng Huyền

Các tin liên quan

  • Trang thông tin điện tử Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Thanh Hóa
  • Địa chỉ: Số 10/26 Tô Hiến Thành, phường Điện Biên, Tp. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa
  • SĐT: 02373.727.658 - Email: csvsattp@thanhhoa.gov.vn
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa