Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Thanh Hóa
Trang chủ   /   Tin trong nước   /   Hội thảo nâng cao năng lực lấy mẫu, kiểm nghiệm nấm tự nhiên phục vụ công tác xác định nguyên nhân ngộ độc do nấm độc.
Hội thảo nâng cao năng lực lấy mẫu, kiểm nghiệm nấm tự nhiên phục vụ công tác xác định nguyên nhân ngộ độc do nấm độc.
Thực hiện kế hoạch bồi dưỡng hàng năm về công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Thanh Hóa đã tham gia Hội thảo nâng cao năng lực lấy mẫu, kiểm nghiệm nấm tự nhiên phục vụ công tác xác định nguyên nhân ngộ độc do nấm độc được tổ chức tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng do Viện kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia phối hợp với Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng tổ chức.
Hội thảo được tổ chức trong 03 ngày (từ 19/11 đến 21/11/2020) với 150 đại biểu là Lãnh đạo và chuyên viên các Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) của cả nước tham dự.
 
 
Hình ảnh 1: TS.Nguyễn Thị Thanh Huyền, PVT.Viện Kiểm nghiệm ATVSTPQG  báo cáo tình hình ngộ độc nấm tự nhiên
 
Theo số liệu thống kê, từ năm 2017 đến nay Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia đã tiếp nhận và phân tích mẫu của 17 vụ ngộ độc do nấm từ các Chi cục ATVSTP gửi đến; trong đó, 6/17 (chiếm 35,3%) số mẫu được phân tích phát hiện có các độc tố, 10/17 (chiếm 58,8%) vụ được định danh và 07 vụ (chiếm 41,2%) chưa định danh được. Viện đã thực hiện chương trình lấy mẫu giám sát về nấm tự nhiên tại các tỉnh phía Bắc trong năm 2019 thu thập được 190 mẫu nấm và định danh được 70 loài.
 
Viện đã định danh được 6 loài  nấm độc tự nhiên gồm: Amanita exitialis (tại vùng Hoàng Su Phì –Hà Giang và Nậm Pồ -Điện Biên) nấm có khả năng gây tử vong; Chlorophyllum molybdites (tại Điện Biên) nấm có khả năng gây độc tác động lên đường tiêu hóa gây nôn, tiêu chảy…; Russula subpallidirosea (tại Hà Giang) nấm có khả năng gây độc tác động lên đường tiêu hóa gây nôn, tiêu chảy…; Scleroderma sinnamarriense (Sơn La) tác động lên đường tiêu hóa gây nôn, tiêu chảy…; Amanita farinose (nấm lấy tại rừng thông, bản Cồn Huất, huyện Yên Châu - tỉnh Sơn La), nấm có khả năng gây tử vong; Anmanita Fuliginea (Sơn La) nấm có khả năng gây tử vong.
 
Theo các kết quả phân tích, trong điều kiện tự nhiên nước ta khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, có nhiều loài nấm độc, ngộ độc nấm liên tục xảy ra ở các tỉnh miền núi; thống kê ở Hà Giang (năm 2004-2007) có 33 vụ ngộ độc nấm với 165 người mắc, 24 người tử vong; ở Cao Bằng (năm 2003-2009) có 29 vụ ngộ độc nấm với 81 người mắc, 17 người tử vong; ở Bắc Kạn (năm 2004-2011) có 29 vụ ngộ độc nấm với 94 người mắc, 14 người tử vong.
 
Các thông tin dịch tễ định hướng phân tích ngộ độc nấm gồm: triệu chứng chia làm 2 kiểu ngộ độc sớm biểu hiện trước 6 giờ sau ăn và ngộ độc muộn biểu hiện sau 6 giờ sau ăn; các hình ảnh của mẫu nấm (mẫu ăn còn thừa và mẫu lấy tại tự nhiên); cơ quan trong cơ thể chịu tác động: ngộ độc thần kinh, ngộ độc đường tiêu hóa, ngộ độc gan và các cơ quan khác trong cơ thể; cách thức chế biến, lượng ăn và số loại nấm ăn, các thực phẩm khác; số lượng người ăn, người mắc.
 
Hội thảo đã phân tích những khó khăn để tìm ra nguyên nhân ngộ độc nấm là do thiếu thông tin dịch tễ về vụ ngộ độc; mẫu không toàn vẹn, hư hại; nhận thức về nguy cơ ngộ độc do ăn nấm tự nhiên của người dân còn chưa cao. Đồng thời, tại hội thảo các đại biểu cũng đã thảo luận và nhất trí một số biện pháp nhằm giảm thiểu ngộ độc thực phẩm do độc tố, bao gồm: Các Chi cục ATVSTP cần tuân thủ và thực hiện các bước điều tra ngộ độc thực phẩm theo Quyết định 39/2006/QĐ-BYT ngày 13/12/2006 về quy chế điều tra ngộ độc thực phẩm; trong khâu lấy mẫu vần tuân thủ cần lấy đúng mẫu nấm gây ngộ độc và các mẫu bệnh phẩm; chụp đầy đủ hình ảnh, ghi nhận địa điểm xảy ra ngộ độc; gói nhẹ nhàng trong giấy thấm, tránh ánh sáng; vận chuyển nguyên trạng sớm nhất về phòng kiểm nghiệm; trong công tác huấn luyện, đào tạo cần tập trung và việc đào tạo cán bộ kiểm nghiệm và nâng cao năng lực kiểm nghiệm tìm nguyên nhân ngộ độc thực phẩm; thực hiện tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức về ngộ độc khi sử dụng nấm tự nhiên.
 
Tại hội thảo, các đại biểu được nghe báo cáo tham luận về chẩn đoán điều trị ngộ độc các loài nấm thường gặp (của Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai); kiểm nghiệm xác định nguyên nhân ngộ độc nấm tự nhiên bằng phương pháp sinh học và kiểm nghiệm xác định độc tố tự nhiên trong nấm độc (Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia); thảo luận về giải pháp nâng cao năng lực lấy mẫu, kiểm nghiệm xác định nguyên nhân ngộ độc do nấm tự nhiên.
 
 
Hình ảnh 2: Lãnh đạo và chuyên viên Chi cục ATVSTP tham dự hội thảo
 
Hội thảo đã thành công tốt đẹp, mang lại hiệu ứng tích cực, bổ sung kiến thức và kỹ năng vô cùng quan trọng cho các cán bộ của Chi cục ATVSTP trong việc phòng, chống và phân tích, cảnh báo nguy cơ ngộ độc thực phẩm do độc tố có thể xảy ra trên địa bàn./.
 
Hồng Nguyễn

Các tin liên quan

  • Trang thông tin điện tử Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Thanh Hóa
  • Địa chỉ: Số 10/26 Tô Hiến Thành, phường Điện Biên, Tp. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa
  • SĐT: 02373.727.658 - Email: csvsattp@thanhhoa.gov.vn
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa