Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác đảm bảo an toàn thực phẩm năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019
Ngày 04/01/2019, Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác đảm bảo an toàn thực phẩm năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019. Đồng chí Phạm Đăng Quyền - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban thường trực BCĐ về quản lý vệ sinh ATTP chủ trì Hội nghị. Tham dự tại 27 điểm cầu có đại diện lãnh đạo UBND 27 huyện, thị, thành phố trong tỉnh.
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh
Năm 2018, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) đã có chuyển biến rõ nét, nhờ sự đồng thuận và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị. Nhận thức, kiến thức, trách nhiệm về ATTP của cán bộ, đảng viên, người quản lý, người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng được nâng lên. Hệ thống văn bản quản lý nhà nước về ATTP tiếp tục được hoàn thiện, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về ATTP. Hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn được đẩy mạnh; các chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn được hình thành, nhân rộng. Công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, liên ngành và xử lý vi phạm về ATTP đã phát huy hiệu quả. Nguồn lực cho công tác đảm bảo an toàn thực phẩm được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm (BCĐ VSATTP), luỹ kế đến nay, Sở Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng 28 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được xác nhận (gồm: 03 chuỗi cung ứng lúa, gạo; 09 chuỗi cung ứng rau quả; 05 chuỗi cung ứng thịt gia súc, gia cầm; 03 chuỗi cung ứng trứng gia cầm; 08 chuỗi cung ứng thủy sản). Sở Y tế đã hoàn thành xây dựng 162/64 bếp ăn tập thể đảm bảo ATTP thuộc trách nhiệm quản lý (đạt 253%); các bếp ăn tập thể đã được thẩm tra, công nhận đảm bảo ATTP. Ở cấp huyện đã chỉ đạo xây dựng 316/389 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn (đạt 81,2%); 1.200/1.546 cơ sở giết mổ đáp ứng quy định về ATTP (đạt 77,6%); 37/32 chợ an toàn thực phẩm (đạt 115%); 202/138 cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn (đạt 146%), nhiều địa phương đã hoàn thành hoặc hoàn thành vượt mức chỉ tiêu được giao về xây dựng cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn; 862/335 bếp ăn tập thể đáp ứng quy định về ATTP (đạt 257%). Đã thành lập 12 đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP trong Tết nguyên đán Mậu Tuất và mùa Lễ hội Xuân, Tháng hành động vì ATTP, mùa du lịch, Tết Trung thu năm 2018; thực hiện kiểm tra 274 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phát hiện 52 cơ sở vi phạm, phạt tiền 44 cơ sở với số tiền gần 270 triệu đồng, phạt cảnh cáo 08 cơ sở.
Phát biểu thảo luận tại Hội nghị, đa số các đại biểu đều thống nhất với dự thảo báo cáo được trình bày; một số đại biểu đề nghị trong thời gian tới BCĐ VSATTP cần tăng cường công tác tuyên truyền, thay đổi hình thức tuyên truyền nhằm làm chuyển biến rõ nét hơn trong nhận thức của người dân, người sản xuất và người tiêu dùng sản phẩm; sự phối hợp giữa các ngành, các cấp, các địa phương, đơn vị trong công tác thanh, kiểm tra về ATTP cần chặt chẽ hơn; tỉnh bố trí thêm kinh phí để phục vụ công tác đảm bảo vệ sinh ATTP...
Đồng chí Phạm Đăng Quyền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận tại Hội nghị.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, đồng chí Phạm Đăng Quyền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác đảm bảo VSATTP thời gian vừa qua. Bên cạnh đó, đồng chí cũng nhấn mạnh một số hạn chế, tồn tại như: Sản xuất kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, hộ gia đình là chủ yếu, chưa được kiểm soát và truy xuất nguồn gốc sản phẩm; vùng sản xuất hàng hóa nông sản, thủy sản an toàn tập trung chưa được hình thành. Một số huyện, thị xã triển khai thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao còn chậm và chưa đáp ứng được yêu cầu. Hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về ATTP ở một số địa phương còn thụ động, chưa kiên quyết, chưa bảo đảm tính răn đe; hoạt động của các tổ giám sát cộng đồng chưa hiệu quả, còn mang tính hình thức...
Để tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác đảm bảo vệ sinh ATTP trên địa bàn tỉnh, phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém; trong năm 2019, các sở, ngành, địa phương phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 18/8/2016; đồng thời tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
(1) Khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện các chỉ tiêu ATTP đã được UBND tỉnh giao tại Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2019: Yêu cầu các sở: Nông nghiệp và PTNT, Y tế, Công Thương và UBND các huyện, thị xã, thành phố phân, giao chỉ tiêu ATTP năm 2019 cho các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện; phân công lãnh đạo chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra giám sát việc thực hiện các chỉ tiêu được giao.
(2) Khẩn trương hoàn thiện các văn bản quy định, hướng dẫn và các chương trình, đề án về quản lý ATTP.
(3)Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thông tin, truyền thông và đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao kiến thức, nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân về ATTP.
(4) Xây dựng và phát triển các mô hình, điển hình về ATTP, xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí ATTP.
(5) Tăng cường kết nối sản xuất, kinh doanh với tiêu thụ thực phẩm an toàn.
(6) Tăng cường trách nhiệm của các ngành, các cấp trong việc quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm về ATTP.
(7) Huy động các nguồn lực hợp pháp dành cho xây dựng xã ATTP, thu hút các nguồn lực xã hội hóa, các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các mô hình ATTP.
(8) Đề nghị Ủy ban MTTQ tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình phối hợp vận động và giám sát đảm bảo ATTP giai đoạn 2016-2020; các tổ chức đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội phát huy tốt vai trò giám sát cộng đồng việc chấp hành pháp luật về ATTP; tăng cường giám sát việc triển khai công tác đảm bảo ATTP tại địa bàn được phân công phụ trách./.
Lượng Nguyễn