Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Thanh Hóa
Trang chủ   /   Tin trong tỉnh   /   Tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị tổng kết công tác đảm bảo ATTP năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018
Tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị tổng kết công tác đảm bảo ATTP năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018

Ngày 19/01/2018 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Thanh Hóa, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị với nội dung tổng kết công tác đảm bảo ATTP năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018. Về dự Hội nghị có khoảng 300 đại biểu tham dự. Đại biểu cấp tỉnh gồm có các đồng chí Ban chỉ đạo chỉ đạo về quản lý VSATTP tỉnh (BCĐ tỉnh), Giám đốc các sở, trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; đại diện lãnh đạo Ban tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban dân vận Tỉnh ủy, Ủy ban kiểm tra tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh; lãnh đạo và chuyên viên của các cơ quan tham mưu giúp việc về công tác ATTP. Đại biểu  tuyến huyện, thị xã, thành phố gồm có: đồng chí Bí thư huyện, thị, thành ủy; đồng chí Chủ tịch UBND; Trưởng các phòng: Y tế, Nông nghiệp, Kinh tế hạ tầng/Kinh tế; Giám đốc Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố. Đại biểu tuyến xã phường gồm có: đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND 32 xã, phường, thị trấn triển khai xây dựng các mô hình thí điểm ATTP. Tham dự và đưa tin về Hội nghị có các cơ quan thống tấn báo chí của Trung ương và địa phương.
 

Đồng chí Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo về quản lý VSATTP tỉnh phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Tại Hội nghị thay mặt BCĐ tỉnh, đồng chí Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng BCĐ tỉnh đã báo cáo kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế trong công tác ATTP của tỉnh Thanh Hóa trong năm 2017, cụ thể:

Sau hơn một năm triển khai thực hiện Nghị Quyết số 04-NQ/TU ngày 18/8/2016 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh đến năm 2020; công tác đảm bảo ATTP đã được cả hệ thống chính trị vào cuộc, triển khai đồng bộ và đạt được kết quả bước đầu, tạo chuyển biến khá tích cực. Các cơ quản lý về ATTP đã tích cực tham mưu hoàn chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn về quản lý ATTP, cơ bản đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn tỉnh. Tổ chức bộ máy  quản lý về ATTP được thành lập và kiện toàn từ cấp tỉnh đến cấp xã; cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện cho các cơ quan quản lý ATTP được quan tâm đầu tư, mua sắm. Công tác thông tin tuyên truyền được chú trọng đầy mạnh với các hình thức đa dạng đã tác động tốt đến các đối tượng trong việc thay đổi hành vi bảo đảm ATTP, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về ATTP đã có nhiều chuyển biến tích cực. Sản phẩm thực phẩm tiêu dùng trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến theo hướng dần an toàn hơn. Một số mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn được triển khai xây dựng và phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm an toàn của nhân dân trong tỉnh, như: Mô hình chuỗi giá trị cao, rau, thủy sản an toàn; mô hình cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn. Công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, liên ngành và xử lý vi phạm về ATTP từng bước đi vào nề nếp, hạn chế tình trạng chồng chéo, trung lắp, gây phiền hà cho doanh nghiệp; số vụ ngộ độc thực phẩm giảm; tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi cơ bản được xử lý dứt điểm; các vi phạm về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh, chất bảo quản, phụ gia thực phẩm có xu hướng giảm.

Tuy nhiên, công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, đó là: Sản xuất kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, hộ gia đình là chủ yếu, chưa được kiểm soát và truy xuất nguồn gốc sản phẩm; vùng sản xuất hàng hóa nông sản, thủy sản an toàn tập trung chưa được hình thành. Chưa có nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; số lượng chuỗi giá trị sản phẩm an toàn, cơ sở giết mổ tập trung an toàn còn ít và quy mô nhỏ lẻ; chưa có chợ ATTP; việc công nhận BATT đảm bảo ATTP triển khai còn chậm; công tác kiểm tra, giám sát ATTP còn thụ động, xử lý vi phạm chưa thực sự kiên quyết, chưa đảm bảo tính răn đe; việc lấy mẫu thực phẩm để giám sát, cảnh báo các nguy cơ gây mất ATTP ở cấp huyện, cấp xã hầu như chưa được thực hiện.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, đồng chí Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo về quản lý VSATTP tỉnh yêu cầu các sở ban ngành, các địa phương trong năm 2018 cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, Phát huy trách nhiệm người đứng đầu trong công tác đảm bảo ATTP. Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể, các cấp ủy đảng, chính quyền phải xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu thưởng xuyên trong chỉ đạo điều hành năm 2018; gắn trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân trong việc triển khai thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp được giao tại Nghị quyết 04-NQ/TU.

Thứ hai, Tạo chuyển biến sâu sắc về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục bồi dưỡng nâng cao nhận thức, kiến thức, trình độ chuyên môn, năng lực, kỹ năng quản lý, điều hành và trách nhiệm thực thi của cán bộ quan lý ATTP các cấp và cán bộ trong hệ thống chính trị, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ năng lực để triển khai hiệu quả Chương trình ATTP; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về VSATTP, tập trung vào các đối tượng hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm ở các chợ, người sản xuất nông sản nhỏ lẻ ở nông hộ, tuyên truyền những đơn vị thực hiện tốt các nhiệm vụ cũng như các đơn vị thực hiện không tốt các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 04/NQ-TU.

Thứ ba, Tập trung chỉ đạo hoàn thành mục tiêu xây dựng các mô hình thí điểm ATTP trên địa bàn tỉnh

Thứ tư, Tạo đột phá trong kết nối sản xuất, kinh doanh với tiêu thụ sản phẩm an toàn. Tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu hằng năm, xây dựng phần mềm kết nối cung cầu thông qua website, mạng xã hội, kết nối cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ, cơ sở sản xuất tập chung với hệ thống kinh doanh thực phẩm dần dần hướng tới xây dựng trang thương mại điện tử về thực phẩm an toàn.

Thứ năm, Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về ATTP từ cấp tỉnh đến cấp xã; tập trung vào các đối tượng thuộc phân cấp xã quản lý.

Thứ sáu, Tăng cường đầu tư ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện cho công tác ATTP, chú trọng đầu tư xây dựng mô hình thí điểm ATTP; trang bị đầy đủ thiết bị kiểm tra nhanh tại hiện trường cho các cơ quan quản lý ATTP từ cấp tỉnh đến cấp xã, tổ giám sát cộng đồng thôn, tổ giám sát tại chợ ATTP.

Thứ bảy, Đẩy mạnh phối kết hợp liên ngành nhất là các tổ chức chính trị - xã hội như Hội nông dân, Hội phụ nữ, Mặt trận tổ quốc... trong công tác vận động tuyên truyền bảo đảm ATTP./.

Lê Quân

Các tin liên quan

  • Trang thông tin điện tử Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Thanh Hóa
  • Địa chỉ: Số 10/26 Tô Hiến Thành, phường Điện Biên, Tp. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa
  • SĐT: 02373.727.658 - Email: csvsattp@thanhhoa.gov.vn
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa