Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Thanh Hóa
Trang chủ   /   Tin trong tỉnh   /   Thanh Hóa tổ chức Hội nghị Ban chỉ đạo về quản lý VSATTP tỉnh
Thanh Hóa tổ chức Hội nghị Ban chỉ đạo về quản lý VSATTP tỉnh
Chiều ngày 19/12/2017, Ban Chỉ đạo về quản lý VSATTP tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 18/8/2016 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và kế hoạch hoạt động năm 2018 của BCĐ tỉnh.

Tham dự và chủ trì Hội nghị có đồng chí Nguyễn Đình Xứng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Nguyễn Đức Quyền - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Nguyễn Văn Tuấn - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; các thành viên BCĐ về quản lý VSATTP tỉnh; đại diện lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh, Văn phòng Điều phối về VSATTP tỉnh và các sở, ngành liên quan.

 
Đ/c Nguyễn Đình Xứng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo phát biểu kết luận Hội nghị

Đánh giá kết quả sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU đã chỉ ra những kết quả đạt được, những tồn tại hạn chế và mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm 2018 để tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU. 

Những kết quả đạt được sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU:

- Nhận thức, kiến thức, trách nhiệm về công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của cán bộ, đảng viên, người quản lý, người sản xuất kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm được nâng cao. 

- Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm các cấp được thành lập và kiện toàn.

- Toàn tỉnh đã hình thành 73 vùng sản xuất chuyên canh rau, quả an toàn tập trung với diện tích 44,3 ha đủ điều kiện an toàn thực phẩm (trong đó có 230,7 ha đã được chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP); các huyện Đông Sơn, Yên Định, Nga Sơn đã xây dựng vùng sản xuất lúa năng suất, chất lượng cao theo hình thức cánh đồng lúa lớn với diện tích là 874 ha; 5 vùng chăn nuôi lợn an toàn nông hộ theo VietGAHP trên địa bàn các huyện Quảng Xương, Hoằng Hóa, Thọ Xuân, Triệu Sơn và Yên Định, với sự tham gia của 1.863 hộ chăn nuôi thuộc 95 nhóm GAHP, đã có 1.121 hộ chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAHP nông hộ.

-  Công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, liên ngành và xử lý vi phạm về VSATTP đã phát huy hiệu quả, hạn chế tình trạng chồng chéo, trùng lắp, gây phiền hà cho doanh nghiệp; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm. 

Hội nghị cũng đã thông qua dự thảo Kế hoạch hoạt động của Ban chỉ đạo về quản lý VSATTP tỉnh năm 2018, với các nội dung chính: 

- Hoàn thiện các văn bản quy định, hướng dẫn về quản lý VSATTP;

- Tăng cường hoạt động thông tin, truyền trông và đào tạo, tập huấn, nâng cao nhận thức cho cán bộ, người sản xuất, chế biến, kinh doanh và nhân dân về VSATTP;

- Tập trung xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn và mô hình xã, thị trấn đạt tiêu chí ATTP;

- Rà soát, bổ sung quy hoạch, kết nối sản xuất, kinh doanh với tiêu thụ thực phẩn an toàn;

- Nâng cao hiệu quả sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình vệ sinh an toàn thực phẩm;

- Tăng cường trách nhiệm của các ngành, các cấp trong việc quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm về VSATTP.

Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự hội nghị cũng đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong công tác đảm bảo VSATTP trên địa bàn tỉnh thời gian qua: Các xã, phường, thị trấn chưa thực hiện xác nhận nguồn gốc sản phẩn thực phẩm nhỏ lẻ; nhận thức của một bộ phận cán bộ, người sản xuất và tiêu dùng về đảm bảo VSATTP chưa đầy đủ, ý thức trách nhiệm chưa cao, đặc biệt là cấp uỷ chính quyền cấp xã; việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm còn nhiều bất cập; việc xây dựng và phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn tại các huyện, thị xã, thành phố còn chậm; việc tiêu thụ các sản phẩm mất an toàn thực phẩm tại các chợ tự phát, chợ cóc trên địa bàn các khu dân cư, khu công nghiệp vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Các Đại biểu cũng đã đưa ra nhiều giải pháp, như: Phải triển khai các nội dung ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm từ cấp huyện đến thôn, bản, đặc biệt là các đối tượng kinh doanh trong chợ, siêu thị, cửa hàng, các cơ sở sản xuất, nuôi trồng; Xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm đảm bảo an toàn; Năm 2018 phải tiếp tục tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu thực phẩm an toàn giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng.

Phát biểu kết luận hội nghị, Đồng chí Nguyễn Đình Xứng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo đã nêu ra nhưng kết quả đạt được sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU: Công tác thông tin truyền thông đã được triển khai sâu rộng và đồng bộ; chính quyền các cấp đã ban hành các văn bản chỉ đạo kịp thời, thành lập và kiện toàn bộ máy quán lý về an toàn thực phẩm từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn; đã tạo ra sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức về an toàn thực phẩm của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm; đã hình thành một số cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn, hình thanh các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; tình hình ngộ độc thực phẩm trên địa bàn giảm so với cùng kỳ.

Đồng chí Trưởng ban chỉ đạo tỉnh cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, tồn tại trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, như: Các Sản phẩm thực phẩm an toàn chưa được xây dựng nhiều, việc xây dựng các sản phẩm an toàn tập trung, các mô hình sản xuất an toàn chưa được thực hiện trên diện rộng; việc đánh giá, truy xuất nguồn gốc thực phẩm chưa được thực hiện; công tác thanh tra kiểm tra và xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm chưa có kết quả rõ nét, nhất là tại các chợ. 

Đồng chí cũng đã đưa ra các giải pháp triển khai thực hiện trong năm 2018 như sau: Công tác tuyên truyền phải được thực hiện sâu rộng hơn, tạo chuyển biến sâu sắc về nhận thức của cộng đồng, trong đó tập trung tuyên truyền tới tận các xã, phường, các chợ nhỏ lẻ và các hộ sản xuất; các ngành thành viên BCĐ tỉnh phải tập trung chỉ đạo xây dựng thành công các mô hình theo mục tiêu đã đề ra; Đối với công tác chỉ đạo điều hành đảm bảo VSATTP, Đồng chí Nguyễn Đình Xứng yêu cầu BCĐ phải xây dựng các văn bản quy định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu các sở ngành, các địa phương, đơn vị, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ chính quyền cấp xã, trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên lĩnh vực, phạm vi phụ trách. Tiếp tục thực hiện ký cam kết về đảm bảo VSATTP giữa các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các địa phương; các ngành thành viên tổng hợp, ưu tiên các nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ mà Nghị quyết số 04-NQ/TU đã đề ra./.

Tiến Phong

Các tin liên quan

  • Trang thông tin điện tử Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Thanh Hóa
  • Địa chỉ: Số 10/26 Tô Hiến Thành, phường Điện Biên, Tp. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa
  • SĐT: 02373.727.658 - Email: csvsattp@thanhhoa.gov.vn
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa