Thức ăn đường phố và những mối nguy tiềm ẩn
Thức ăn đường phố được nhiều tầng lớp trong xã hội lựa chọn là những bữa ăn hàng ngày nhờ ưu điểm nhanh, gọn, rẻ. Tuy nhiên, bên cạnh đó, những thức ăn đường phố còn tồn tại nhiều mối nguy, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người sử dụng.
Thức ăn đường phố từ lâu đã trở thành nhu cầu không thể thiếu của người dân, nhất là ở các thành phố lớn. Lợi thế của thức ăn đường phố là những bữa ăn vừa nhanh, vừa gọn, lại rẻ, phù hợp với hầu hết dân lao động, sinh viên hoặc với những người có thu nhập thấp, trung bình….
Thức ăn đường phố được bán ngay trên miệng cống nhưng vẫn đông người ăn
Với trình độ dân trí ngày càng được nâng cao, ai cũng biết những nguy cơ tiềm ẩn khi ăn thức ăn đường phố, tuy nhiên do nhu cầu cuộc sống, công việc mà phần đa vẫn lựa chọn ăn thức ăn đường phố. Bên cạnh đó, công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, dịch vụ ăn uống còn nhiều khó khăn bất cập. Mặt khác, có không ít người sử dụng thức ăn đường phố với tâm lý “có chết ngay đâu mà sợ”. Từ đó cho chúng ta thấy, thức ăn đường phố tuy là một nét văn hóa tốt đẹp xong nếu như ý thức kết hợp kiến thức của người kinh doanh thức ăn đường phố không tốt, không chấp hành đúng các quy định của pháp luật thì nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng loại hình dịch vụ này là rất lớn.
Kinh doanh thức ăn đường phố là loại hình không có địa điểm cố định nên khó kiểm soát. Theo phân cấp quản lý của Thông tư 47 năm 2014 Bộ Y tế về việc Hướng dẫn quản lý an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống thì việc quản lý thức ăn đường phố do xã, phường, thị trấn tiến hành là chủ yếu. Song, quá trình kiểm tra cũng chỉ thiên về nhắc nhở, xử phạt ít và số tiền xử phạt cũng không cao. Tại buổi hội thảo “Vai trò của chính quyền địa phương trong công tác quản lý dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tại Hà Nội” năm 2016, Tiến sĩ Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, ở nhiều nơi, việc tuân thủ các quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và ý thức trách nhiệm của chủ cơ sở kính doanh thức ăn đường phố chưa cao, còn 17% cơ sở có nơi kinh doanh chưa cách biệt với nguồn ô nhiễm, chưa bày thức ăn trên giá cách mặt đất ít nhất 60cm theo quy định; 13% cơ sở chưa thực hiện che đậy thức ăn để chống bụi bẩn và côn trùng; 16% cơ sở chưa có dụng cụ xúc, gắp thực phẩm hoặc găng tay sử dụng một lần khi tiếp xúc với thức ăn; 11% cơ sở chưa sử dụng nước sạch trong chế biến và vệ sinh dụng cụ...
Người tiêu dùng cần cảnh giác với một số loại thức ăn đường phố tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh cao như xúc xích, chân gà nướng, hoa quả dầm… Xúc xích thường phải sử dụng chất bảo quản tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây bệnh. Các chất bảo quản sử dụng phổ biến trong xúc xích là kali sorbate và nitrit. Chất này vừa bảo quản thực phẩm lâu vừa làm xúc xích tươi, đỏ màu. Tuy nhiên, trong quá trình tiêu hóa, chất này sẽ phản ứng với axit amin có trong thịt để tạo thành chất gây ung thư nitrosamine ở ruột của chúng ta; Chân gà phần lớn là hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, lâu ngày tiêu thụ không hết lại bảo quản không đúng kỹ thuật nên dễ bị hư hỏng, biến chất, nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm là rất cao; Các loại hoa quả dầm chủ yếu là các loại hoa quả xanh, có vị chua như xoài, cóc, dứa … có lượng axit lớn, khi ăn quá nhiều trong thời gian dài dễ dẫn đến thừa axit dạ dày, bên cạnh đó, các loại quả trộn với bột ớt không rõ nguồn gốc, vấn đề mất vệ sinh an toàn thực phẩm là khó tránh khỏi.
Các loại hoa quả dầm được bày bán không có che đậy
Theo nghiên cứu mới nhất của Trịnh Xuân Nhất về thực trạng ô nhiễm vi khuẩn thức ăn đường phố và một số yếu tố liên quan tại thành phố Thanh Hóa cho thấy: Tỷ lệ ô nhiễm vi khuẩn chung các mẫu thức ăn đường phố và dụng cụ chế biến là 57,74%; Tỷ lệ ô nhiễm vi khuẩn vượt quá TCCP của Bộ Y tế của từng loại thực phẩm và dụng cụ chế biến: Nem chua: 76,7%; Thịt và sản phẩm từ thịt: 51,7%; Cá và các sản phẩm từ cá: 43,3%; Giò chả: 60%; Rau sống 66,7%; Tinh bột và các sản phẩm từ tinh bột: 56,7%; Bàn tay người chế biến: 62,5% và dụng cụ chế biến: 63,3% không đạt TCVS. Tỷ lệ ô nhiễm thức ăn đường phố do 2 chủng vi khuẩn E.coli và Salmonella chiếm 91,1%. 10% mẫu nem chua và 13,3% mẫu giò chả ô nhiễm Tụ cầu khuẩn. Thực tế cho thấy, đã có nhiều ca bệnh do ngộ độc từ thức uống đường phố, không được cấp cứu kịp thời đã dẫn đến tử vong. Bên cạnh đó, các loại nước uống không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, lạm dụng các loại hóa chất, đường hóa học, phẩm màu độc hại… đang là mối lo ngại lớn của người tiêu dùng. Đây chính là mầm mống của căn bệnh ung thư nếu người dân sử dụng lâu dài.
Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe cho mình và gia đình, chúng ta cần đặc biệt chú ý:
- Không nên mua và sử dụng thức ăn như bánh rán, nem rán, chả cá, chả mực rán… được chiên trong chảo dầu mỡ đã được rán lại nhiều lần vì hóa chất trong dầu mỡ chiên, rán lại nhiều lần dễ gây ung thư cho người sử dụng.
- Khi mua các loại thực phẩm như bánh cuốn, phở, bún…, nên lựa chọn thực phẩm được che đậy, bảo quản vệ sinh, ở nơi có địa chỉ tin cậy; không nên mua sản phẩm có mùi vị lạ hay quá chua.
- Đối với các loại thực phẩm: chả giò, thịt quay, xúc xích, chân giò muối, lạp xưởng…, nên chọn mua ở các địa chỉ đáng tin cậy, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; có mùi tự nhiên, không có màu sắc khác thường; nhãn mác đầy đủ, còn hạn sử dụng ./.
Xuân Sơn