Ngộ độc rượu ngâm cà độc dược ở Thái Bình
Theo thông tin từ Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế cho biết, chiều ngày 27/10/2017 ông Vũ Tiến Hồi, thôn Vinh Hoa, xã Trọng Quan, Huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình đã tổ chức bữa cơm ăn mừng nhà mới.
Có 19 người tới dự bữa cơm. Có 09 người uống rượu trong đó có 02 người uống rượu trắng và 07 người uống rượu ngâm quả khô. Sau khi uống từ 1-3 chén rượu (khoảng 10-15 phút tính từ lúc bắt đầu bữa ăn) những người uống đều có biểu hiện ngộ độc: Bứt rứt, mặt nóng bừng, lơ mơ, có lúc co giật, ảo giác, vật vã. 02 trường hợp có biểu hiện nặng được chuyển thẳng đến điều trị tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch mai; 05 trường hợp điều trị tại Khoa Chống độc Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình. 05 bệnh nhân điều trị tại BV đa khoa Thái Bình đã ổn định và được xuất viện lúc 10g30 ngày 28/10/2017. 02 bệnh nhân nặng đã được cấp cứu kịp thời tại TT Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, hiện 01 người đã ổn định sức khỏe được ra viện, 01 bệnh nhân vẫn còn biểu hiện tiêu cơ vân nhẹ, đã được chuyển về bệnh viện tỉnh điều trị.
TS.BS Lâm Quốc Hùng - Trưởng phòng quản lý ngộ độc thực phẩm - Cục An toàn Thực phẩm- Bộ Y tế cho biết, 7 người ở Thái Bình bị ngộ độc sau khi uống rượu trong bữa tiệc tân gia là loại ngộ độc do nhóm Alcaloid gây ra, loại độc tính này có trong quả cà độc dược (dân gian còn gọi là cà gai). Độc tính này tác động lên hệ thần kinh giao cảm làm tăng nhịp tim, vã mồ hôi, giãn đồng tử, khô môi, khô miệng, chảy nước mắt, lơ mơ. Nếu không được xử trí, điều trị kịp thời thì nguy cơ bị tử vong cao. Chủ nhà là ông Vũ Tiến Hồi, cũng bị ngộ độc rượu. Tỉnh lại nhờ được cấp cứu kịp thời, ông Hồi cho biết đã ngâm rượu với gói quả khô mua ở Lạng Sơn, ngoài táo mèo còn có chuối rừng và cà gai.
Mẫu rượu ngâm quả khô và mẫu rượu trắng thu được tại gia đình ông Hồi (ảnh: VFA)
Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế đã thành lập đoàn công tác do TS.BS Lâm Quốc Hùng – Trưởng Phòng Giám sát Ngộ độc thực phẩm làm trường đoàn đi Thái Bình để đôn đốc, điều tra, giám sát việc xử lý tình huống đồng thời tổ chức tuyên truyền phòng ngừa ngộ độc thực phẩm.
Qua sự việc trên, chúng tôi đưa ra một số lời khuyên như sau:
- Tuyệt đối không uống rượu khi không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, xuất xứ, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng (chưa có xác nhận công bố chất lượng bởi các cơ quan quản lý nhà nước); Không uống rượu pha bằng cồn công nghiệp (kể cả cồn dùng trong y tế) hoặc khi nghi ngờ rượu có chứa Methanol.
- Không tự ngâm các loại các cây, con, và các bộ phận của động vật, côn trùng,… để tránh gây hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
- Không sử dụng rượu bia trong các trường hợp: Điều khiển phương tiện cơ giới, vận hành máy móc, Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú, đang điều trị thuốc có phản ứng với cồn, rượu và có các tình trạng bệnh lý mà khi xử dụng rượu bia làm cho bệnh càng nặng lên.
- Không uống rượu khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị bệnh.
- Trong và sau khi uống rượu thấy cơ thể có biểu hiện bất thường như không kiềm chế kiểm soát được cảm xúc, dễ tức giận, nổi nóng, đi đứng không vững, nôn nhiều, vã mồ hôi, hôn mê, mạch nhanh, thở nông, hạ huyết áp... thì đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra và theo dõi.
Chi cục ATVSTP Thanh Hóa