Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Thanh Hóa
Trang chủ   /   Dành cho người tiêu dùng   /   BỆNH TIÊU CHẢY CẤP NGUY HIỂM (BỆNH TẢ), NGUYÊN NHÂN VÀ CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG
BỆNH TIÊU CHẢY CẤP NGUY HIỂM (BỆNH TẢ), NGUYÊN NHÂN VÀ CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG
Bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm hay còn gọi “Bệnh tả”. Bệnh lây truyền qua đường ăn uống. Đây là bệnh truyền nhiễm với tỷ lệ tử vong rất cao nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm hay còn gọi “Bệnh tả” đây là bệnh truyền nhiễm với tỷ lệ tử vong rất cao nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời; Bệnh lây truyền qua đường ăn uống do các thức ăn hoặc nước uống bị nhiễm bởi vi khuẩn có tên Vibrio cholerae hay còn gọi là phẩy khuẩn tả. Theo thống kê của tổ chức Y tế thế giới (WHO) từ năm 1995 đến nay hàng năm trên thế giới ghi nhận từ 100.000 đến 300.000 trường hợp mắc tả tại 40 – 80 nước trên thế giới với tỷ lệ chết trên mắc trung bình khoảng 2% và thường kéo dài nhiều tháng.

Tại Việt Nam Bệnh tả là nguyên nhân gây tiêu chảy nguy hiểm, đây là gánh nặng đối với ngành Y tế và toàn xã hội. Theo thống kê của Bộ Y tế Năm 1993 dịch xảy ra ở 21 tỉnh với 3.460 người mắc bệnh. Năm 1994, dịch xảy ra ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam với  4.123 trường hợp mắc bệnh. Năm 1995, 29 tỉnh thành phố báo cáo có bệnh nhân tả với 6.088 trường hợp mắc bệnh. Năm 1996, cả nước có 630 trường hợp mắc bệnh tả El Tor ở 19 tỉnh thành phố. Từ năm 2000 đến nay nước ta vẫn có rải rác các trường hợp tả tuy nhiên bệnh không bùng phát thành dịch lớn, cụ thể như sau:

- Năm 2000: 176 trường hợp mắc, 2 trường hợp tử vong tại 4 tỉnh/thành phố (Thái Bình, Nam Định, Nghệ An, Quảng Trị).

- Năm 2001: 16 trường họp mắc, không có tử vong tại 3 tỉnh/thành phố (TP Hồ Chí Minh, Cà Mau, Bạc Liêu).

- Năm 2002:  321 trường hợp mắc, không có tử vong tại 18 tỉnh/thành phố (Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An, Lâm Đồng, Cần Thơ, An Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Đồng Tháp, Kiên Giang, Cà Mau).

- Năm 2003: 342 trường hợp mắc, không có tử vong tại 11 tỉnh/thành phố (Hải Phòng, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, TP Hồ Chí Minh, An Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Cà Mau).

- Năm 2004: 67 trường hợp mắc, 1 tử vong tại 12 tỉnh/thành phố (Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Quảng Bình, TP Hồ Chí Minh, Long An, Cần Thơ, An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Kiên Giang, Cà Mau).

- Năm 2005 - 2006: không ghi nhận.

- Năm 2007: 1.991 trường hợp mắc tiêu chảy cấp nguy hiểm, 295 trường hợp dương tính với phẩy khuẩn tả, không có tử vong tại 13 tỉnh/thành phố (Hà Nội, Hà Tây, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Thái Bình, Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Ninh, Phú Thọ, Hải Dương, Nam Định, Hà Nam, Nghệ An).
 

Tác nhân gây bệnh:

Phẩy khuẩn tả (Vibrio cholera) thuộc họ Vibrio Naccae là vi khuẩn hình cong dấu phẩy bắt mầu Gr (-), không sinh nha bào, di động nhanh nhờ có một lông. Phẩy khuẩn tả dễ nuôi cấy trong môi trường nghèo dinh dưỡng, pH kiềm (pH từ 8,5 – 9,0) và mặn.

Phẩy khuẩn tả dễ bị tiêu diệt bởi nhiệt độ (80 độ C/5 phút), bởi hóa chất (Clo 1mg/lít/15 phút) và môi trường axit. Khô hanh, ánh nắng mặt trời cũng làm chết phẩy khuẩn tả.

Phẩy khuẩn tả El Tor có thể tồn tại lâu trong phân, đất ẩm, nước, thực phẩm. Trong đất, phẩy khuẩn có thể sống trong 60 ngày, trong phân 150 ngày, trên bề mặt thân thể 30 ngày, trong sữa 6-10 ngày, trên rau quả 7-8 ngày, trong nước 20 ngày. V.Cholerae là một phần của phổ vi khuẩn sống tự do ở những vùng nước lợ. Nhiệt độ bề mặt (trên 15 độ C), nồng độ muối (0,5 đến 3%), độ pH (8) và giàu chất dinh dưỡng hữu cơ trong nước là những điều kiện tối ưu cho phẩy khuẩn tả tồn tại.

Nguồn bệnh:

- Nguồn bệnh là người bệnh hoặc người mang mầm bệnh tả.

- Nguồn bệnh trong thiên nhiên (ổ chứa trong thiên nhiên) của bệnh tả là một số động vật thủy sinh nhất là các nhuyễn thể ( cá, cua, trai, sò, ngao....) ở vùng cửa sông hay ven biển. Đây là nguồn bệnh có thể gặp trong thời gian giữa các vụ dịch tả ở người và là nguyên nhân gây ra các ca bệnh tản phát giữa hai vụ dịch.

Đường lây truyền: 

Bệnh tả lây truyền theo đường tiêu hóa, chủ yếu qua ăn uống. Phẩy khuẩn tả xâm nhập vào người lành qua hai nguồn chính đó là:  

Thức ăn, nước uống bị ô nhiễm phân, chất nôn ....có phẩy khuẩn tả;

- Các yếu tố làm lây truyền phẩy khuẩn tả như: Nước, thực phẩm tươi sống, thực phẩm để nguội, ôi thiu, bàn tay, dụng cụ ăn uống, chứa đựng thực phẩm, đồ dùng cá nhân, ruồi, nhặng có ô nhiễm phẩy khuẩn tả.

- Những yếu tố làm tăng nguy cơ lan truyền là đời sống kinh tế xã hội và dân trí thấp, phong tục tập quán sinh hoạt lạc hậu, thời tiết nóng ẩm, thiếu nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đặc biệt là với loại hình thức ăn đường phố, tình trạng mất vệ sinh ở những vùng sau lũ lụt, thảm họa...

Tính cảm nhiễm (Tính cảm thụ):

Phẩy khuẩn tả chỉ gây bệnh ở người, ở mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh tả. Tuy nhiên tính cảm thụ phụ thuộc vào mỗi cá thể và liều nhiễm khuẩn.

Các thể lâm sàng gồm:

- Thể không có triệu chứng.

- Thể nhẹ: Giống như tiêu chảy thường.

- Thể điển hình: Thời kỳ khởi phát. Người bệnh biểu hiện bằng sôi bụng, đầy bụng, tiêu chảy vài lần; Sang thời kỳ toàn phát biểu hiện: Tiêu chảy liên tục, rất nhiều lần với khối lượng lớn có khi hàng chục lít một ngày, phân toàn nước, màu trắng lờ đục như nước vo gạo, không có nhầy máu, người bệnh kèm theo nôn, nôn rất dể dàng lúc đầu ra thức ăn sau toàn nước, người bệnh thường không có sốt, ít đau bụng và biểu hiện tình trạng mất nước và điện giải gây mệt lả, chuột rút.

- Thể tối cấp: Bệnh diễn biến rất nhanh, mỗi lần tiêu chảy mất rất nhiều nước, vô niệu, toàn thân suy kiệt nhanh chóng sau vài giờ và tử vong do trụy mạch.

Nguyên tắc điều trị:

- Phải cách ly người bệnh.

- Bồi phụ nước và điện giải nhanh chóng và đầy đủ.

- Dùng kháng sinh để diệt vi khuẩn.

Phòng bệnh:

- Vệ sinh môi trường, đảm bảo cung cấp nước sạch. 

- Sử dụng vắc- xin tả uống cho những vùng có nguy cơ dịch theo sự chỉ đạo của ngành Y tế.

- Công tác đảm bảo an toàn thực phẩm: Để bảo vệ sức khỏe cho mỗi người và cộng đồng, Cục An toàn thực phẩm – Bộ y tế đã đưa ra 06 biện pháp an toàn thực phẩm phòng bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm như sau:

1. Thực hiện “ăn chín uống chín”.

Tất cả đồ ăn, thức uống cần đun sôi trước khi ăn uống.

2. Rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi ăn uống.

3. Dụng cụ, bát đũa trước khi ăn cần rửa sạch và nhúng nước sôi.

4. Bảo quản tốt thực phẩm đã chế biến, chống ruồi, mưa gió, bụi bặm.

5. Xử lý phân, chất thải bảo đảm yêu cầu vệ sinh, không dùng phân tươi để bón và tưới rau.

6. Thực hiện 6 không:

- Không ăn rau sống.

- Không ăn tiết canh.

- Không ăn mắm tôm, mắm tép sống.

- Không ăn gỏi cá, hải sản sống.

- Không ăn nem chạo, nem chua.

- Không uống nước lã, nước đá mất vệ sinh.

Đào Tùng - Chi cục ATVSTP Thanh Hóa

Các tin liên quan

  • Trang thông tin điện tử Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Thanh Hóa
  • Địa chỉ: Số 10/26 Tô Hiến Thành, phường Điện Biên, Tp. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa
  • SĐT: 02373.727.658 - Email: csvsattp@thanhhoa.gov.vn
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa