Chủ động phòng chống ngộ độc thực phẩm thông qua công tác giám sát phát hiện nguy cơ ô nhiễm thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống
Lấy mẫu thức ăn tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống để kiểm nghiệm các chỉ tiêu chỉ điểm mất an toàn thực phẩm, để có cơ sở, cảnh báo kịp thời về nguy cơ ô nhiễm thực phẩm từ đó đưa ra được những khuyến cáo sát thực đối với người tiêu dùng trong sử dụng thực phẩm an toàn
Đối với công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, hoạt động kiểm nghiệm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm là không thể thiếu được, nó mang tính hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước có được cơ sở để kết luận, cảnh báo kịp thời về nguy cơ ô nhiễm thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, từ đó đưa ra được những khuyến cáo sát thực đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng góp phần sử dụng thực phẩm an toàn, bảo đảm sức khỏe, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Công tác giám sát và lấy mẫu thực phẩm dù định kỳ hoặc đột xuất để kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm có vai trò vô cùng quan trọng, là hành động thiết thực để đề xuất kịp thời các biện pháp phòng tránh ngộ độc thực phẩm và hạn chế các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm thực phẩm luôn là quá trình động, việc kiểm soát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm phải là việc làm thường xuyên, số liệu cần được cập nhật hàng ngày vì sự tiến bộ không ngừng của ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm; sự thay đổi môi trường nuôi trồng, sự giao lưu thương mại ngày càng mở rộng cũng như nhu cầu sử dụng thực phẩm của con người ngày càng đa dạng, phong phú. Vì vậy, công tác kiểm soát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm và khả năng khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm hiện nay ở nước ta đang đặt ra những thách thức lớn.

Cán bộ Chi cục ATVSTP lấy mẫu giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm tại Siêu thị Big C
Nhằm chủ động phát hiện sớm các mối nguy cơ trong thực phẩm, Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm Thanh Hóa xây dựng kế hoạch lấy mẫu thức ăn tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể) trên địa bàn tỉnh. Phương pháp lấy mẫu ngẫu nhiên, quy trình lấy mẫu theo quy định. Trong 7 tháng đầu năm 2016 đã thực hiện kiểm nghiệm hóa, lý 208 chỉ tiêu gồm: Hóa chất bảo vệ thực vật 3/164 chỉ tiêu không đạt chiếm tỷ lệ 1,82%, Foocmon, ure trong cá biển và tôm cấp đông, phẩm màu, hàn the, hypochlorid, salycilic đạt yêu cầu; kiểm nghiệm 660 chỉ tiêu vi sinh vật, có 04/660 chỉ tiêu không đạt, chiếm tỷ lệ 0,6%.
Nguyên nhân các mối nguy ô nhiễm là do vệ sinh dụng cụ ăn uống, vệ sinh bàn tay chưa sạch; ô nhiễm do trong quá trình tham gia chế biến chưa thực hiện đúng quy trình về vệ sinh bàn tay, dụng cụ … Trên cơ sở đó, Chi cục đã có công văn chỉ đạo tất cả các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống về tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại cơ sở của mình. Cơ sở có mẫu thức ăn không đạt, gửi kết quả kiểm nghiệm và yêu cầu tìm ra nguyên nhân ô nhiễm để khắc phục và báo cáo kết quả khắc phục về Chi cục.
Để đánh giá kết quả khắc phục của cơ sở, trong thời gian tới, Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ tổ chức mời chủ các cơ sở có kết quả mẫu thức ăn không đạt để phổ biến kiến thức pháp luật về an toàn thực phẩm, đồng thời kiểm tra đột xuất và lấy mẫu thức ăn đánh giá lại sự khắc phục của cơ sở./.
Nguyễn Văn Huy - Chi cục ATVSTP Thanh Hóa