Nâng cao trách nhiệm và hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn tỉnh
An toàn thực phẩm (ATTP) là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển Kinh tế - Xã hội, xoá đói giảm nghèo và hội nhập quốc tế. Để làm tốt công tác ATTP cần phát huy vai trò của các cấp ủy Đảng, Chính quyền cùng sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể do ATTP là vấn đề có tính liên ngành và xã hội hóa rất cao
An toàn thực phẩm (ATTP) là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt, đóng góp to lớn vào việc cải thiện sức khoẻ con người, chất lượng cuộc sống và phát triển giống nòi. ATTP không chỉ tác động đến sức khỏe mà còn tác động đến phát triển Kinh tế, Thương mại, Du lịch và An sinh xã hội. Làm tốt công tác đảm bảo ATTP góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển Kinh tế - Xã hội, xoá đói giảm nghèo và hội nhập quốc tế.
Thanh Hóa là một tỉnh rộng, có cả 4 vùng địa lý: Miền núi, đồng bằng, đô thị và vùng ven biển với tập quán sản xuất, nuôi trồng thực phẩm cùng văn hoá ẩm thực đa dạng. Trên địa bàn tỉnh có hơn 13.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh chế biến thực phẩm và dịch vụ ăn uống. Trong những năm qua Thanh Hoá liên tục duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân cả nước, với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao tỉ trọng công nghiệp, dịch vụ; Các khu công nghiệp lớn như Nghi Sơn – Tĩnh Gia, Lam Sơn – Sao Vàng, Bỉm Sơn – Thạch Thành ra đời và đang dần trở thành những mũi nhọn phát triển kinh tế của tỉnh, quá trình ấy gắn bó mật thiết với vấn đề đảm bảo ATTP từ sản xuất, kinh doanh, chế biến và tiêu dùng. Trong hoạt động thu hút, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Thanh Hoá luôn quan tâm khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn.
Trong thời gian qua, công tác đảm bảo ATTP đã được tỉnh quan tâm chỉ đạo thông qua việc ban hành các quy định, cơ chế, chính sách. Tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược Quốc gia về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2030; Chỉ thị số 16/CT-UBND ngày 29/7/2011 về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể; Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 30/01/2015 về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm trong tình hình mới; Chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai tốt các chiến dịch cao điểm về ATTP hàng năm vào dịp Tết nguyên đán, Tết trung thu, Tháng hành động vì chất lượng ATTP (Từ 15/4 - 15/5). Tỉnh cũng đã ban hành một số cơ chế khuyến khích, nhân rộng các dự án sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, nhờ đó công tác bảo đảm ATTP đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, đó là: Hình thành được một số trang trại trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi thuỷ sản theo tiêu chuẩn VietGAP, góp phần cung cấp nguyên liệu và sản phẩm thực phẩm an toàn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho người dân ở các khu vực đông dân cư và đô thị; trên địa bàn đã có một số dự án sản xuất thực phẩm lớn như sản xuất sữa của Vinamilk, nuôi tảo xoắn xuất khẩu ....; bước đầu có một số sản phẩm thực phẩm thô hoặc qua chế biến đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe và được xuất khẩu vào thị trường Châu Âu, Châu Mỹ và Nhật Bản. Trong 3 năm gần đây tình hình ngộ độc thực phẩm cấp tính liên tục giảm cả về số vụ và số người mắc, không có tử vong do ngộ độc thực phẩm tại địa bàn (năm 2013 có 11 vụ với 293 người mắc, năm 2014 có 6 vụ với 47 người mắc, năm 2015 có 01 vụ với 12 người mắc).

Tiến sĩ Trịnh Hữu Hùng chủ trì kiểm tra liên ngành về ATTP tại siêu thị Coopmart
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác ATTP tại tỉnh ta vẫn còn một số tồn tại:
1. Mặc dù ngộ độc thực phẩm cấp tính có giảm nhưng chưa bền vững; nguy cơ ngộ độc mãn tính, trường diễn vẫn còn, khó kiểm soát. Kiểm soát ATTP trong quá trình sản xuất, ATTP đối với dịch vụ thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể doanh nghiệp, các sự kiện hiếu, hỷ vẫn còn nhiều thách thức.
2. Tỷ lệ sản phẩm rau quả bị nhiễm vi sinh vật gây bệnh, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng còn cao (Qua lấy mẫu đánh giá chất lượng trên 291 mẫu rau, củ, quả trong 5 năm qua tại các cơ sở trồng trọt, cơ sở kinh doanh, có 47/123 mẫu nhiễm vi sinh vật vượt ngưỡng cho phép, chiếm 38,21%; 8/54 mẫu nhiễm kim loại nặng vượt ngưỡng cho phép, chiếm 14,81%, 30/240 mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép, chiếm 12,5%). Việc kinh doanh, sử dụng phụ gia thực phẩm trong chế biến; Kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng diễn biến phức tạp.
3. Hoạt động giết mổ nhỏ lẻ vẫn phổ biến, là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng sản phẩm thịt gia súc, gia cầm nhiễm vi sinh (Qua kiểm tra lẫy mẫu xét nghiệm 5 năm qua có 21/116 mẫu thịt và phủ tạng nhiễm vi sinh vượt ngưỡng cho phép, chiếm 18,1%). Việc phát triển sản xuất, giết mổ tập trung, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ thực phẩm an toàn còn chậm, chưa hiệu quả, chưa tạo được chuỗi giá trị sản phẩm bền vững, sản lượng thực phẩm an toàn tiêu thụ qua các hệ thống phân phối và kinh doanh còn khiêm tốn.
4. Hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo liên ngành VSATTP các cấp còn hạn chế, vai trò chủ đạo của chính quyền trong quản lý nhà nước về ATTP chưa được thể hiện rõ nét. Công tác phối hợp liên ngành chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý ATTP là quản lý theo chuỗi, thường xuyên, liên tục từ trang trại đến bàn ăn.
5. Công tác thanh tra, kiểm tra ATTP chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, việc phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm còn hạn chế nhất là tại tuyến huyện và xã. Nhân lực của các cơ quan tham mưu quản lý về ATTP còn rất thiếu, cơ sở vật chất, trang thiết bị nghèo nàn, năng lực chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Vì tầm quan trọng của ATTP với sức khỏe con người và phát triển Kinh tế - Xã hội, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh đã xác định đảm bảo ATTP là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần quan tâm giải quyết từ nay đến năm 2020. Trong năm 2016, Ban thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong tình hình mới nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, Chính quyền và các ban ngành đối với công tác đảm bảo ATTP; UBND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng, triển khai đề án bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, trong đó cụ thể hóa một số nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả hơn Chỉ thị số 08-CT/TW ngày 21/10/2011 của Ban Bí thư trung ương đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề ATTP trong tình hình mới, đồng thời đề ra một số chương trình, dự án trọng tâm cần triển khai từ nay đến năm 2020 theo Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP.
Để công tác đảm bảo ATTP thu được kết quả tốt, cần sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền các cấp để thực hiện tốt một số giải pháp trọng tâm trong công tác quản lý:
Một là: Cần đưa chỉ tiêu bảo đảm ATTP vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, bổ sung tiêu chí ATTP vào các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tiêu chí khu dân cư văn hoá, tiêu chí xã, phường đạt chuẩn văn minh đô thị.
Hai là: Tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của ban chỉ đạo liên ngành VSATTP các cấp nhằm điều phối tốt các hoạt động phối hợp liên ngành, quản lý liên tục theo chuỗi từ trang trại đến bàn ăn, thực hiện tốt nhiệm vụ truyền thông, thanh kiểm tra chuyên ngành về ATTP.
Ba là: Tăng cường chức năng kiểm tra, giám sát của HĐND các cấp đối với công tác bảo đảm ATTP, ban hành Nghị quyết chuyên đề về công tác bảo đảm ATTP, tổ chức đánh giá kết quả thực hiện tại các kỳ họp HĐND các cấp.
Bốn là: Phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể, đặc biệt hội nông dân, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên trong giám sát, phản biện, tuyên truyền về ATTP.
Năm là: Ưu tiên nguồn lực đầu tư cho công tác đảm bảo ATTP, tăng cường năng lực cho hệ thống các cơ quan quản lý về ATTP với quan điểm đầu tư cho công tác ATTP là đầu tư cho con người, phát triển bền vững và hội nhập.
Để công tác đảm bảo ATTP thu được kết quả tốt, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý, rất cần sự chung tay góp sức của người dân. Các hộ sản xuất, chăn nuôi cần có ý thức, trách nhiệm hơn với cộng đồng trong quá trình sản xuất thực phẩm an toàn thông qua việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh và các vật tư nông nghiệp đúng hướng dẫn, đúng quy trình; không sử dụng chất cấm, ngoài danh mục cho phép. Các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm cần thường xuyên giám sát, tuân thủ các quy định về điều kiện đảm bảo ATTP trong sản xuất, kinh doanh và chỉ đưa ra thị trường các sản phẩm đã được chứng nhận, xác nhận đảm bảo chất lượng ATTP. Người tiêu dùng cần nêu cao ý thức, trách nhiệm thông qua việc lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có tem nhãn với đầy đủ thông tin về chỉ tiêu chất lượng, số xác nhận công bố, còn hạn sử dụng; mặt khác cần mạnh mẽ lên án, tố giác và tẩy chay những cơ sở, những sản phẩm kém chất lượng, không an toàn, góp phần làm trong sạch, lành mạnh hóa thị trường thực phẩm.
Với những quyết tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các cấp, các ngành, cùng sự ủng hộ của các tổ chức, đoàn thể và người sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm, chúng ta tin tưởng rằng đến năm 2020, Thanh Hóa sẽ trở thành một trong những tỉnh đi đầu cả nước trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ thực phẩm an toàn, góp phần thúc đẩy phát triển Kinh tế - Xã hội và hội nhập./.
Tiến sĩ, Bác sĩ Đỗ Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP
(Bài viết đã đăng trên thông tin văn phòng cấp ủy tỉnh Thanh Hóa số 49, tháng 7/2016)