Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Thanh Hóa
Trang chủ   /   Nguy cơ mất ATTP   /   BỆNH LIÊN CẦU KHUẨN LỢN TRÊN NGƯỜI VÀ CÁCH PHÒNG CHỐNG
BỆNH LIÊN CẦU KHUẨN LỢN TRÊN NGƯỜI VÀ CÁCH PHÒNG CHỐNG
Các mối nguy gây ô nhiễm thực phẩm như: (Ô nhiễm sinh học, ô nhiễm hóa học, ô nhiễm vật lý). Trong ô nhiễm sinh học thì ô nhiễm do vi khuẩn chiếm tỷ lệ rất cao. Theo thống kê 50 - 60% các vụ ngộ độc thực phẩm ở Việt Nam là do vi khuẩn gây ra trong đó có vi khuẩn là liên cầu lợn

Thịt lợn và các sản phẩm được chế biến từ thịt lợn là nguồn thực phẩm được cung cấp theo nhu cầu hàng ngày trong mỗi bữa ăn của mọi gia đình. Đặc biệt là trong dịp Tết nguyên đán và mùa lễ hội thì nhu cầu lại càng cao. Nguy cơ lây truyền bệnh liên cầu lợn sang người là rất cao nếu như người tiêu dùng mua thịt lợn và các sản phẩm được chế biến từ thịt lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có kiểm nghiệm của cơ quan thú y. Theo số liệu từ Bệnh viện nhiệt đới Trung ương từ ngày 01/01/2016 đến ngày 17/8/2016 tại Bệnh viện đã có 50 ca mắc bệnh liên cầu lợn phải nhập viện và điều trị. Cũng theo nguồn tin từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, ngày 17/5/2016 đã có 01 trường hợp nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch và sau đó đã tử vong, nguyên nhân xác định là do ăn tiết canh lợn bị nhiễm vi khuẩn liên cầu ở lợn. 

Vậy liên cầu khuẩn ở lợn ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của con người như thế nào và các biện pháp phòng chống ra sao chúng tôi đưa ra một số lời khuyên sau:

1. Liên cầu khuẩn lợn

Là một loại vi khuẩn gây bệnh cho người và lợn, đây là bệnh truyền nhiễm có thể xảy ra ở hầu hết các loài động vật máu nóng, trong đó có lợn và người là chủ yếu. Bệnh tăng mạnh trong mùa nắng nóng và có nguy cơ trở thành dịch nếu không có biện pháp phòng tránh, điều trị kịp thời. Bệnh có thể lây từ lợn sang người, người bị lây nhiễm sẽ bị các bệnh viêm màng não, nhiễm trùng huyết, xuất huyết, viêm phổi, viêm cơ tim, viêm khớp  gây choáng và có thể để lại những di chứng nặng nề như: 60% bị ù tai giảm thính lực, 20% điếc hoàn toàn không hồi phục và gây tử vong. Con đường lây truyền từ lợn sang người có thể qua vết thương ở da, qua đường ăn uống, đường hô hấp, tiếp xúc với máu hoặc các dịch tiết ở lợn bệnh. 

2. Nguyên nhân lây nhiễm

Nguyên nhân nhiễm bệnh chủ yếu là do tiếp xúc, sử dụng các chế phẩm từ thịt lợn thiếu an toàn, nhiều trường hợp nhiễm bệnh không rõ nguyên nhân do vi khuẩn này đã lan ra môi trường và xâm nhập nhiều loại thực phẩm khác. Bệnh liên cầu khuẩn ở lợn lây lan sang người theo một trong những đường là:

- Từ đường ăn uống    

Đó là  khi chúng ta  ăn các sản phẩm từ thịt lợn mà chưa được nấu chín như tiết canh, lòng, nem thì vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể người và gây bệnh. Ở nước ta, trên 70% bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn lợn là do ăn tiết canh lợn. Những thức ăn như: Lòng, dồi, tiết canh… luôn luôn có vi khuẩn liên cầu khuẩn lợn. Trong khi đó những thức ăn này không được nấu chín nên dễ dẫn đến việc lây bệnh. Nếu lợn nhiễm khuẩn (kể cả lợn bệnh và lợn lành mang trùng chưa phát bệnh), trong máu (tiết) và thịt lợn sẽ chứa một lượng lớn vi khuẩn. Khi thực phẩm đó không được nấu chín kỹ (tiết canh, nem chua, nem chạo…), những người ăn sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao. Trong các món ăn đó, tiết canh, món chính lây bệnh liên cầu khuẩn lợn sang người, có khoảng trên 30% bệnh nhân hay ăn tiết canh. Đặc biệt khi ăn tiết canh lợn là nơi chứa nhiều vi khuẩn liên cầu lợn nên sẽ tấn công rất nhanh, thường phát bệnh sau khi ăn 6h. Ngoài ra cháo lòng cũng là một nguồn truyền bệnh sau tiết canh.

- Từ đường tiếp xúc, giết mổ, chăm sóc

Những người có các vết thương, xây xát ở da nhưng lại tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết của lợn bị bệnh liên cầu khi chăm sóc, giết mổ, vận chuyển thịt, máu lợn bệnh. Trong quá trình chế biến, tiếp xúc trực tiếp (vệ sinh chuồng trại, giết mổ) cũng có thể lây nếu có các vết xước chân, tay. Vi khuẩn cũng xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương rách da nhỏ, vết trầy xước, loét niêm mạc chân răng. Bình thường loại vi khuẩn này có sẵn trong cổ họng, đường tiêu hóa, đường hô hấp, sinh dục của lợn. Khi lợn mắc bệnh tai xanh do virus gây ra (thường gây bệnh ở lợn nái, lợn con và lợn đực đang trong giai đoạn sinh sản), sức đề kháng của con lợn bị suy giảm, đây chính là nguyên nhân làm bùng phát bệnh liên cầu khuẩn ở lợn.

3. Biểu hiện bệnh và các biện pháp phòng chống

- Biểu hiện bệnh liên cầu lợn trên người là: Người bị bệnh liên cầu khuẩn từ lợn thường mắc ở ba thể. Ở thể cấp tính, bệnh nhân bị nhiễm trùng huyết, sốt cao, xuất huyết và hoại tử toàn thân, suy tuần hoàn, suy hô hấp, suy chức năng gan, thận dẫn đến tử vong rất nhanh. Ở thể viêm màng não, bệnh nhân sốt cao, đau đầu, nôn mửa và hôn mê, nếu không điều trị sớm, bệnh nhân sẽ có di chứng thần kinh như ngớ ngẩn, mất trí nhớ, liệt và thể thứ 3 là kết hợp cả hai. Vì thế bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn thường gặp ở các thể bệnh viêm màng não và nhiễm trùng huyết hoặc kết hợp cả hai thể bệnh trên. Người bệnh có thể tử vong nếu không được điều trị sớm. Bệnh nguy hiểm bởi có diễn biến nhanh, chỉ trong vòng 12-24 giờ đã có thể rất nguy hiểm, bệnh nhân rơi vào tình trạng sốc do nhiễm khuẩn huyết, nhiễm độc toàn thân gây suy đa phủ tạng khiến cho việc điều trị khó khăn và kéo dài. Đặc biệt, người bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn đã được điều trị khỏi vẫn có thể bị tái nhiễm nếu tiếp tục tiếp xúc trực tiếp với thịt lợn bị bệnh nhiễm liên cầu  khuẩn hoặc ăn các sản phẩm từ thịt lợn mà chưa được nấu chín như tiết canh, lòng, nem, cháo lòng của lợn bị bệnh liên cầu.

- Các biện pháp phòng chống 

Với người giết mổ lợn phải tuân theo các quy định: Không giết mổ lợn bị bệnh; Không được sử dụng thịt lợn chết làm thức ăn cho động vật khác và phải xử lý lợn bị bệnh chết triệt để, tránh gây ô nhiễm ra môi trường và cộng đồng; Mang các dụng cụ bảo vệ cá nhân cần thiết (găng tay, khẩu trang, kính, mũ...), bảo đảm các vết xước, vết thương không tiếp xúc với lợn hay các sản phẩm của lợn; Nơi giết mổ phải bảo đảm vệ sinh môi trường sạch sẽ, tách biệt với khu chế biến thức ăn.

Với người mua bán thịt lợn: Không mua, bán lợn bị bệnh; không mua bán lợn, thịt lợn không rõ nguồn gốc; Chỉ mua lợn, thịt lợn có nguồn gốc, không bị bệnh và có dấu kiểm dịch của cơ quan thú y.

Với người tiêu dùng: Không ăn thịt lợn sống, không ăn tiết canh, nội tạng lợn chưa được nấu chín, không ăn thịt lợn và sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc; không tiếp xúc với sản phẩm từ lợn còn sống khi tay có vết xước, trừ khi mang găng tay bảo vệ.

Với người chế biến thức ăn: Giữ cho khu vực chế biến thức ăn sạch sẽ và rửa tay sau khi thao tác; khi lưu trữ, bảo quản thịt sống phải tách biệt với nơi bảo quản thịt đã qua chế biến hoặc sản phẩm ăn sẵn để tránh lây nhiễm bệnh chéo; không dùng dụng cụ (dao, thớt) chế biến thịt sống để chế biến thịt chín; Rửa tay sạch bằng xà phòng sau khi chế biến thịt; sản phẩm thịt phải được nấu chín kỹ trước khi ăn./.

Đào Tùng - Chi cục ATVSTP Thanh Hóa

Các tin liên quan

  • Trang thông tin điện tử Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Thanh Hóa
  • Địa chỉ: Số 10/26 Tô Hiến Thành, phường Điện Biên, Tp. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa
  • SĐT: 02373.727.658 - Email: csvsattp@thanhhoa.gov.vn
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa